Tin du lịch

08/06
2020

Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng”

|

 

Bộ VH-TT-DL chính thức công nhận 2 nghề thủ công truyền thống là nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc là 2 đặc sản nổi tiếng, niềm tự hào của người dân xứ dừa. Từ món thủ công truyền thống mộc mạc trong gia đình ngày tết, 2 loại bánh này được nâng lên thành hàng hóa có giá trị tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Giờ đây, bất kỳ thời điểm nào trong năm, mọi người cũng đều có thể thưởng thức món đặc sản mộc mạc này. 

Hiện nay, tại làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh tráng. Nghề làm bánh tráng trở thành món thương phẩm đem lại lợi ích kinh tế khá cao cho người sản xuất.

Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự tôn vinh những công lao của người dân đã dày công gìn giữ những bí quyết tạo ra loại bánh đặc sắc này. Bà con làng nghề vui mừng và xác định sẽ tiếp tục lưu truyền nghề truyền thống này để gìn giữ, phát huy và quảng bá thương hiệu “Bánh tráng Mỹ Lồng”.

Được biết, ngày 30/10/2018 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Quyết định số 4069 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó nghề làm “Bánh tráng Mỹ Lồng” tại xã Mỹ Thạnh và “Bánh phồng Sơn Đốc” tại xã Hưng Nhượng được công nhận đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Theo quy định, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Từ thành phố Bến Tre đi về hướng Đông Nam (tỉnh lộ 885) khoảng 6 km, qua cầu Chẹt Sậy là đến xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Nơi đây, từ xưa đến nay đã nổi tiếng gần xa với nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Lồng”. Lúc ban đầu, làng nghề chỉ làm bánh tráng nem, loại bánh khi ăn phải nhúng qua nước dùng để cuốn, gói với nhiều nguyên liệu khác thành các món cuốn khác nhau. Vào khoảng năm 1960, bà con mới sáng tạo ra bánh tráng dừa, khi ăn phải nướng lên. Bánh tráng dừa đã trở thành sản phẩm chính của làng nghề, hấp dẫn nhiều người với hương vị thơm, béo, giòn tan.

Từ làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng” tiếp tục xuôi theo tỉnh lộ 885 hơn 20km nữa là đến làng nghề “Bánh phồng Sơn Đốc” tọa lạc ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Theo lịch sử Đảng bộ xã Hưng Nhượng thì địa danh Sơn Đốc xuất phát từ một nhân vật có thật. Chợ Sơn Đốc do ông Nguyễn Kim Sơn là Đốc binh lập ra, lấy tên ông và chức vụ đặt tên cho chợ. Mặc dù, có nhiều giả thuyết giải thích khác nhau nhưng hiện nay ở xã Hưng Nhượng vẫn còn địa danh ngã ba Sơn Đốc, gắn với nghề làm bánh phồng nổi tiếng gần xa.

Về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng” và “Bánh phồng Sơn Đốc”, hiện chưa tìm thấy thư tịch cổ hoặc tài liệu ghi nhận. Qua quá trình điều tra, khảo sát điền dã, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn nhiều hộ sản xuất, nhưng chưa tìm được thông tin về lịch sử hình thành và người làm “Bánh tráng Mỹ Lồng” và “Bánh phồng Sơn Đốc” đầu tiên. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp hồi cố thông qua ký ức của những người hiện tại để tái hiện bối cảnh quá khứ. Hầu hết cho thấy những hộ làm nghề bánh tráng, bánh phồng lâu năm đều trên 60 tuổi, học nghề từ ông bà, cha mẹ, tất cả đều lớn tuổi và đã mất. Từ những cứ liệu trên, có thể khẳng định rằng nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Lồng” và “Bánh phồng Sơn Đốc” có lịch sử hình thành hơn 100 năm.

Nguyên liệu chính để làm “Bánh tráng Mỹ Lồng” là gạo tẻ, dừa và các loại phụ gia như: mè, sầu riêng, sữa…. Vào buổi chiều hôm trước, các nguyên liệu được chuẩn bị để sáng sớm hôm sau, gạo được gút sạch nước và xay chung với nước cốt dừa. Hỗn hợp bột này sẽ được khuấy đều cùng với mè, tùy theo mục đích làm các loại bánh khác nhau mà cho thêm phụ gia khác. Phía trên lò đặt một nồi nước, miệng nồi được căng một lớp vải trắng để làm khuôn tráng bánh. Khi nước sôi, người tráng dùng vá múc bột đổ vào vá tráng, sau đó cầm vá tráng đổ bột lên khung vải. Cầm vá tráng xoay tròn, đều theo chiều kim đồng hồ, cho bột trải đều trên mặt vải. Tiếp theo, lấy nắp lá dừa đậy kín để hơi nước làm bánh chín đều. Khi bánh đã chín, dùng cây dầm đã nhúng nước, đưa nhẹ vào giữa để lấy bánh đặt lên bàn xoay. Tiếp tục, công đoạn tráng bánh và đậy nắp lại, trong thời gian chờ bánh chín thì dùng ống lăn cuốn bánh trên bàn xoay, đặt lên liếp cho tròn đều và ngay ngắn. Sau khi tráng, các liếp bánh được đem đi phơi trên sàn ở ngoài trời. Các liếp bánh sau khi phơi khô được đem dựng ở trong nhà, tuyệt đối không gỡ bánh ra khỏi liếp trong thời gian này, vì bánh còn giòn rất dễ bể.

Về nguyên liệu dùng để làm “Bánh phồng Sơn Đốc” là nếp, dừa, đường, muối và các phụ gia như: hành, mè, sữa, trứng, mít, sầu riêng. Vào buổi chiều hôm trước, tiến hành ngâm nếp trong nước và để qua đêm. Sáng sớm hôm sau, tiến hành hấp nếp thành xôi trong khoảng 1 giờ, lửa phải giữ cháy đều. Sau khi có xôi là công đoạn quết thành bột mịn và cho thêm gia vị, phụ gia. Nếu như dùng chày mổ thì cần sử dụng 2 nhân công để quết, còn dùng chày đạp thì cần từ 3-5 người. Sau khi đã quết nhuyễn, người ta mới tiến hành cho nước cốt dừa, gia vị vào và phối trộn phụ gia phù hợp. Khi đã có bột thì chuyển sang công đoạn cán bánh. Một người sẽ làm nhiệm vụ vo bột thành viên, gọi là bắt bột, mỗi viên có trọng lượng đều nhau đặt lên lá chuối hoặc tấm lót mica. Sau khi đã có bột, người cán lấy viên bột thoa một ít dầu cho đừng dính tay rồi đặt lên lá dùng ống tre hoặc nhựa vừa cán vừa xoay để thành chiếc bánh hình tròn. Bánh sau khi cán sẽ được úp ngược dính lên chiếu và tháo gỡ lá chuối hoặc tấm nilông. Thời gian phơi bánh nếu gặp nắng tốt thì khoảng 4 giờ là bánh khô. Khi phơi bánh cần lưu ý, bánh vừa khô là đem vào nhà ngay, nếu không sẽ bị áp, bánh giòn, dễ gãy.

Qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, hai nghề truyền thống này đã trải qua nhiều bước thăng trầm, lúc thịnh, lúc suy nhưng vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay và vẫn luôn có sức sống, hòa cùng nhịp sống hiện đại. Điều này cho thấy tầm quan trọng của hai món bánh dân gian này trong sinh hoạt cộng đồng và nhu cầu của xã hội.

 

Tags :